Tôi là con bộ đội, lấy vợ là con một người lính, từng sống trong quân đội với bố những năm còn nhỏ, người thân và bạn bè làm trong quân đội rất nhiều. Điểm nổi bật của người làm Bộ đội, theo cảm nhận của tôi, là kỷ luật mà chân thành, thẳng thắn trực diện mà tình cảm ấm áp. Đó là nét cá nhân các anh chị bộ đội, và hôm nay nhắc đến như một lời chúc mừng và cảm ơn ngày 22.12.
Nhưng bài này nói về bài học giá trị mà doanh nghiệp có thể học từ quân đội với tư cách là một tổ chức.
Tôi có thi vào quân đội nhưng không chọn nghiệp bộ đội, mà theo đuổi quản trị doanh nghiệp. Hàng ngày tư vấn và đào tạo các doanh nghiệp, vì khởi nghiệp, làm chủ nên mọi người gọi tôi là doanh nhân, nhưng thực ra, tôi là bạn của doanh nhân, đồng hành với doanh nhân trong chiến lược phát triển bền vững bằng việc xây dựng doanh nghiệp có trải nghiệm xuất sắc như một nhà tư vấn.
Trải nghiệm hai thế giới quân đội và doanh nghiệp nhiều, tôi nhận ra một điều tuyệt vời các doanh nghiệp thực sự cần học từ quân đội (đọc đến đây bạn thử nói ra ý kiến của mình xem chúng ta có nghĩ giống nhau không trước khi đọc tiếp nhé).
Có lẽ từ kỷ luật không đủ, không phải là từ khóa quan trọng nhất tôi muốn chúng ta học ở quân đội. Thực tế, tôi còn thấy một số anh em không tiện nêu tên😊, có tính kỷ luật rất cao với việc chạy bộ, tập gym, leo núi…. Nhưng lại rất thiếu kỷ luật trong công việc và đặc biệt là với các yếu tố then chốt mà người lãnh đạo cần cam kết.
Điều cực kỳ giá trị, mà một doanh nghiệp nên học ở quân đội, đó là khả năng sống với mục đích cốt lõi – Core Purpose một cách mạnh mẽ hơn bất cứ lực lượng nào! Mục đích cốt lõi của một tổ chức tức là lý do ra đời và tồn tại của tổ chức đó. Những doanh nghiệp biểu tượng đều có nét giống quân đội ở điểm này: xây dựng và thực thi mục đích cốt lõi một cách xuyên suốt và quyết liệt. Mục đích cốt lõi của quân đội mọi thời điểm là bảo vệ tổ quốc! Tôi khỏi phải kể vì bạn có thể còn giỏi hơn tôi về lịch sử và các thông tin hoạt động của quân đội.
Nhưng bây giờ chúng ta sẽ cần bàn và học hỏi quân đội ở điểm này: vì sao một tổ chức hàng triệu người, từ người có trình độ tiến sỹ đến người không biết chữ, lại có, lại hiểu, lại thực thi được cùng một mục đích mạnh mẽ đến như vậy?. Trong khi nhiều doanh nghiệp chúng ta toàn trình độ cao, nhưng mục đích cốt lõi tuyên bố ra rồi quên, người hiểu người không, lúc này làm lúc khác lại bỏ vào sọt rác?
Lý do chính, bởi vì mục đích bảo vệ tổ quốc nằm trong máu của mỗi người và ai cũng muốn làm điều đó, tự hào khi là một phần của mục đích đó và nhục nhã khi đi ngược lạ mục đích đó.
Điều tôi vừa nói tiết lộ hai lý do thất bại quan trọng của các doanh nghiệp trong việc theo đuổi mục đích cốt lõi và tầm nhìn. Lý do thứ nhất là ở tầm chiến lược, là xác lập và theo đuổi một mục đích cốt lõi không phải là mình, không phải khát vọng, niềm tin hay điều mình thực sự đau đáu (tương tự như những yếu tố khác thuộc chiến lược và văn hóa cũng có thể thất bại theo cách này). Lý do thứ hai nằm ở khâu thực thi, là tuyển sai người và chần trừ trong việc sa thải người sai. Ngoài tuyển dụng, còn 4 công cụ khác để thực thi một mục đích, một giá trị cốt lõi, nhưng tuyển dụng là yếu tố tối quan trọng. Đó kinh nghiệm xương máu của tôi, tôi cũng đã phải trả giá khi biết nhưng không làm đúng điều mình biết. Tôi tin, sau khi tìm ra đúng mục đích cốt lõi, tuyển đúng người là then chốt trong cáccông cụ thực thi. Mỗi lần tuyển sai và chần chừ trong sa thải, bạn có thể không cảm nhận được rõ ràng về sự nguy hiểm của nó, nhưng qua thời gian tích tụ lại … văn hóa sẽ chết đi bởi hàng trăm hành vi và sự rạn nứt như những vết cắt làm chảy máu văn hóa của tổ chức. Hệ quả, là bạn có thể biến một nơi vui vẻ và gắn kết thành một nơi không ai muốn làm việc chỉ trong thời gian tính bằng tháng hoặc ít năm.
Bảo vệ tổ quốc là tự hào, đi ngược lại là nhục nhã rõ ràng là khát vọng nằm trong máu của hầu hết người dân nên Quân đội "nhẹ" hơn doanh nghiệp nhiều khi nói về "tuyển đúng người". Doanh nghiệp thì khác. Chủ doanh nghiệp hiểu mình tồn tại vì điều gì đã khó, không phải ai có, chỉ phù hợp với một số doanh nhân và lãnh đạo, rồi tìm người có khát vọng hoặc chí ít là hào hứng với mục đích tồn tại đó, tức tuyển đúng, lại cũng không hề dễ.
Nhưng từ phân tích trên, sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hai câu hỏi tiên quyết cần trả lời. Một là, tôi có khát vọng không, đó là gì? Hai là, ai sẽ là người phù hợp cùng tôi chinh phục khát vọng đó? Nếu trả lời sai thì các nỗ lực khác chỉ như "đá ném ao bèo". Tại sao phương pháp, vũ khí và đội ngũ tinh nhuệ của các cường quốc xâm lược lại thua cuộc trước một nước nhỏ và mọi thứ đều thô sơ? Có phải vì đây là cuộc chiến giữa một đội quân được gắn kết và hợp nhất mạnh mẽ quanh một mục đích cốt lõi, và một đội quân giỏi, được trang bị đầy đủ nhưng không hề mang trong máu của mình một khát vọng, niềm vui và sự tự hào của chiến thắng?
Vậy các chủ doanh nghiệp, lãnh đạo đứng đầu hãy hỏi hai câu hỏi trên cho doanh nghiệp của bạn, đó nên là điểm bắt đầu quan trọng nhất, còn các phương pháp và kỹ năng thực thi thì dễ hơn hai câu hỏi này nhiều, đây cũng là thứ quan trọng nhất của bài viết này mà tôi muốn bạn rút ra.
Nhiều người sẽ nghĩ quản trị trải nghiệm khách hàng, trải nghiệm nhân viên thì chỉ là một số kỹ năng, phương pháp, công cụ để cải tiến trải nghiệm, nhưng cách tiếp cận của VPERIA trong các dự án tư vấn là phải đi vào tầng sâu nhất, giúp doanh nghiệp xác định đúng vấn đề bản chất rồi mới đến hướng dẫn phương pháp, kỹ năng công cụ. Hiểu khách hàng không đủ, bạn phải hiểu mình nữa vì chúng ta đang nói đến việc xây dựng sự khác biệt và xuất sắc trong doanh nghiệp của mình.
Chuyên gia Nguyễn Dương, CCXP