NHỮNG Ý TƯỞNG CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
en

12 ý tưởng chăm sóc khách hàng

Ngày đăng: 4/14/2021 / Danh mục: CEM PARTNER Blog

Để nhận được sự hài lòng của khách hàng, các doanh nghiệp phải luôn quan tâm đến những ý tưởng chăm sóc khách hàng. Bởi ý tưởng có độc đáo và khác biệt mới thu hút được sự chú ý của khách hàng.

Xem thêm:

1. Vai trò của chăm sóc khách hàng

1.1. Chăm sóc khách hàng là gì ?

Chăm sóc khách hàng là phục vụ khách hàng theo cách họ muốn được phục vụ

Chăm sóc khách hàng (Customer Care) là cách tiếp cận và đối xử với khách hàng của doanh nghiệp, là “phục vụ khách hàng theo cách mà họ mong muốn được phục vụ và làm những việc cần thiết để giữ các khách hàng mình đang có”.

Hơn cả việc mang lại những thứ khách hàng cần, chăm sóc khách hàng còn mang lại những thứ mà khách hàng muốn, kỳ vọng và làm cho họ ngạc nhiên. Thậm chí, dịch vụ chăm sóc khách hàng có thể tuyệt vời đến mức khách hàng phải thốt lên “không thể tin được”.

1.2. Vai trò của chăm sóc khách hàng

Có thể nói chăm sóc khách hàng là “vũ khí bí mật”, là “bí quyết thành bại”, là “dấu ấn khác biệt” của doanh nghiệp. Việc chăm sóc khách hàng tốt mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp:

  •  Chăm sóc khách hàng tốt sẽ tạo nên khách hàng trung thành.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt giúp giảm thiểu các phàn nàn của khách hàng.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt  giúp tạo một kênh quảng cáo miễn phí.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt làm tăng ý kiến đánh giá tốt của khách hàng, đẩy mạnh khâu tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt giúp doanh nghiệp nâng cao ưu thế cạnh tranh.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt giúp thu hút khách hàng tiềm năng.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt giúp tăng khả năng thuyết phục khách mua hàng mà không tốn nhiều thời gian,công sức.
  •  Chăm sóc khách hàng tốt giúp giảm chi phí kinh doanh.

Xem thêm:

2. Những ý tưởng chăm sóc khách hàng

Chăm sóc khách hàng có vai trò rất quan trọng nên các doanh nghiệp cần chú ý, phát triển những ý tưởng chăm sóc khách hàng. Dưới đây là 12 ý tưởng cơ bản:

2.1. Tích lũy điểm thưởng

Tích lũy điểm thưởng là một cách chăm sóc khách hàng

Ngày nay, khách hàng rất hứng thú đối với việc tích lũy điểm thưởng để đổi quà hoặc tiêu dùng cho lần mua hàng kế tiếp. Việc tích lũy điểm thưởng có khá nhiều tác dụng:

  •  Tích lũy điểm thưởng sẽ giúp khách hàng có hứng thú mua sắm hơn. Vì khách hàng nghĩ rằng sẽ được tặng lại một phần giá trị sản phẩm, dịch vụ bằng điểm thưởng.
  •  Tích lũy điểm thưởng sẽ giúp khách hàng quay lại mua hàng cho lần kế tiếp. Điều này xuất phát từ suy nghĩ của khách hàng luôn muốn tích được nhiều điểm để có thể sử dụng số điểm tích lũy được và nếu không sử dụng được thì số điểm đã tích lũy được sẽ rất phí.
  •  Tích lũy điểm thưởng giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí. Số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra để thực hiện chương trình tích lũy điểm thưởng chỉ bằng một phần nhỏ số tiền quảng cáo khiến khách hàng cũ quay lại. Nó giống như bạn bán hàng và chiết khấu một phần cho khách hàng vậy. Chỉ khác là nó được quy ra thành điểm thưởng, sử dụng trong những lần kế tiếp và theo những quy định riêng của doanh nghiệp.

Để thực hiện ý tưởng tích luỹ điểm thưởng cần:

  •  Mức điểm thưởng nhận được sau mỗi lần mua hàng: Doanh nghiệp cần đưa ra mức điểm thưởng tương xứng với số tiền mà khách bỏ ra mua hàng. Đó có thể là 1%, 2%, 3%,… số tiền mua hàng tùy thuộc vào mức độ chi trả của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần đưa ra quy định số điểm đó tương đương với bao nhiêu tiền. Ví dụ như 1 điểm tương đương với 1.000đ chẳng hạn. Đây cũng là một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng được rất nhiều Công ty áp dụng.
  •  Mức điểm thưởng có thể sử dụng được: Doanh nghiệp cần thông báo cho khách hàng biết khi đạt được bao nhiêu điểm thì khách hàng có thể sử dụng được điểm thưởng hay sử dụng được ngay trong lần mua hàng kế tiếp. Ví dụ: 20 điểm thì được tiêu điểm.
  •  Điểm thưởng có thời hạn: Doanh nghiệp nên đưa ra điểm thưởng có thời hạn. Nếu trong thời hạn đó (1 tháng, 3 tháng, 1 năm,…), khách hàng không sử dụng thì điểm thưởng đó không còn hiệu lực. Điều này sẽ làm cho khách hàng mua sắm nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn để sử dụng được điểm thưởng. Nhưng khách hàng sẽ khá bực tức nếu biết điểm thưởng không còn hiệu lực sử dụng nữa nên hãy thông báo trước cho họ khi điểm thưởng sắp hết hiệu lực nhé!

2.2. Xây dựng chương trình khách hàng trung thành

Xây dựng khách hàng trung thành là một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng hiệu quả

Xây dựng chương trình khách hàng trung thành giúp:

  •  Nhờ xây dựng chương trình khách hàng trung thành, doanh nghiệp có thể thu thập thông tin về cách thức khách hàng tương tác với doanh nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp có thể giao tiếp với khách hàng qua các phương thức khác nhau như nhắn tin, gửi email, gọi điện, chuyển phát.
  •  Thông qua chương trình khách hàng trung thành, doanh nghiệp có thể tương tác, tác động tới suy nghĩ của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của mình, lắng nghe những góp ý, hoàn thiện thiếu sót và xây dựng các chiến dịch marketing để củng cố niềm tin nơi khách hàng.
  •  Nhờ chương trình, khách hàng thân thiết được hưởng nhiều ưu đãi hơn.

Để thực hiện ý tưởng xây dựng khách hàng trung thành cần:

  •  Để thực hiện được ý tưởng này, doanh nghiệp cần tạo ra các ưu đãi riêng dành tặng cho khách hàng khi điền vào biểu mẫu thông tin như tặng điểm thưởng, khuyến mãi, giảm giá,… Nhờ đó, khách hàng luôn sẵn sàng cung cấp thông tin. Các thông tin khách hàng bao gồm thông tin cá nhân, sở thích, thói quen,… phục vụ chương trình khách hàng trung thành được thu thập một cách dễ dàng.
  •  Phát hành thẻ khách hàng thân thiết để lấy thông tin, nhận diện khách hàng hưởng ưu đãi.

2.3. Đơn giản hóa chương trình

Việc đơn giản hóa chương trình giúp khách hàng dễ tiếp cận chương trình hơn. Chương trình càng đơn giản bao nhiêu thì số khách hàng tham gia sẽ càng đông bấy nhiêu.

Để thực hiện ý tưởng đơn giản hoá chương trình cần:

  •  Sử dụng những cách thức đơn giản, nhanh chóng hơn. Ví dụ: Sử dụng chương trình tích điểm qua thẻ thành viên thay vì dựa vào các con dấu tích điểm.
  •  Tránh hỏi quá nhiều thông tin trong một lần. Ví dụ: Hỏi phương thức liên lạc như số điện thoại, email,… trong lần đầu khách hàng giao tiếp với doanh nghiệp. Trong những lần sau hãy hỏi về các thông tin khác như sở thích, ngày kỷ niệm,… thông qua phương thức liên lạc đã có.

2.4. Cho phép khách hàng lựa chọn hình thức giao tiếp

Đây là một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng không phải quá mới mẻ nhưng lại giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp. Mục đích của ý tưởng này là nhằm xóa tan lo ngại của khách hàng về việc nhận những thông tin không mong muốn từ doanh nghiệp, để họ có thể thoải mái cung cấp thông tin cá nhân và nhận thông tin từ nhãn hàng. 

Để thực hiện ý tưởng này cần phải làm: 

  •  Để thực hiện ý tưởng này, bạn hãy đưa ra các hình thức giao tiếp có thể thực hiện và cho khách hàng lựa chọn hình thức mà họ cảm thấy thoải mái nhất.
  • Ví dụ: Để khách hàng lựa chọn nhận tin nhắn quảng cáo mỗi tháng một lần hoặc chỉ nhận voucher khuyến mãi, không nhận tin nhắn quảng cáo hoặc chỉ nhận thông tin liên quan đến sản phẩm mà họ quan tâm.

2.5. Đa dạng hoá các phần thưởng và thông điệp quảng cáo

Đa dạng hoá các phần thưởng và thông quảng cáo giúp:

  •  Mục đích của ý tưởng này là để việc tương tác giữa doanh nghiệp với khách hàng hiệu quả hơn.
  •  Khách hàng không cảm thấy bị làm phiền và hài lòng với phần thưởng, thông điệp nhận được.

Để thực hiện ý tưởng này cần:

  •  Cho khách hàng lựa chọn phần thưởng mà họ thích dựa trên những phần thưởng sẵn có hoặc quay số trúng thưởng, bốc thăm trúng thưởng. Trong số những ý tưởng chăm sóc khách hàng thì ý tưởng này được sử dụng rất nhiều
  •  Gửi cho khách hàng thông điệp quảng cáo liên quan đến sản phẩm mà họ quan tâm.
  •  Phân khúc hóa đối tượng khách hàng. Tạo nên những thông điệp quảng cáo mang tính cá nhân và sử dụng nguồn dữ liệu đã có để gửi cho khách hàng phù hợp vào đúng thời điểm.
  •  Lựa chọn phần mềm bán hàng có chức năng hỗ trợ việc gửi Email Marketing và SMS Marketing để có thể tương tác với khách hàng một cách dễ dàng mà không mất nhiều nhiều thời gian, công sức.

2.6. Sử dụng những cuộc đua về điểm thưởng

Mục đích của ý tưởng này là để  khuyến khích khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ và tạo không khí cạnh tranh vui vẻ.

Để thực hiện ý tưởng này cần:

  •  Đưa ra bảng xếp hạng trong tháng về điểm thưởng theo nhiều chủ đề khác nhau như người tích lũy được nhiều điểm trong tháng nhất, người tích lũy điểm trong một lần nhiều nhất,…
  •  Quảng cáo cuộc đua điểm thưởng trên các kênh truyền thông, website, mạng xã hội, cửa hàng và gửi thông tin cho khách hàng.

2.7. Nhắc nhở khách hàng về số điểm tích lũy của họ

Nhắc nhở khách hàng về số điểm tích lũy của họ là một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng quan trọng

 

Trong số những ý tưởng chăm sóc khách hàng thì ý tưởng này cũng không phải quá mới. Thông báo cho khách hàng biết được số điểm tích lũy hiện tại và số điểm sắp hết hạn để biết cách sử dụng. Khuyến khích khách hàng mua thêm sản phẩm, dịch vụ để có thể sử dụng được điểm tích lũy.

Để thực hiện ý tưởng này cần:

  •  Để thực hiện ý tưởng này, bạn hãy thông báo cho khách hàng biết số điểm tích lũy họ có, thời gian hết hạn và mức điểm họ có thể sử dụng được để tiêu hoặc đổi quà thông qua các phương thức liên lạc.
  •  Ví dụ như bạn có thể thông báo cho khách hàng biết còn vài điểm nữa họ có thể tiêu điểm, đổi lấy voucher hay đổi lấy một món quà.

2.8. Tặng quà

Một trong những cách chăm sóc khách hàng hiệu quả là tặng quà

Mục đích của ý tưởng này là tác động vào ý thích muốn nhận được quà của khách hàng. Từ đó, khuyến khích khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ hoặc tương tác với doanh nghiệp để được tặng quà.

Bạn có thể tặng quà cho khách hàng thông qua nhiều hình thức khác nhau:

  •  Quà tặng cho khách mua hàng: Để nhận được quà tặng, khách hàng cần mua hàng với số lượng nhất định. Mỗi lần mua sẽ được 1 con dấu hoặc tem. Khi đã đủ số con dấu hoặc số tem thì khách hàng có thể đổi quà.
  •  Quà tặng cho khách hàng ghé thăm thường xuyên: Hãy quy định số lần khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ để được tặng quà. Đó có thể là 5 lần, 6 lần,… Hình thức tặng quà này phù hợp nhất với salon tóc, spa làm đẹp.
  •  Quà tặng cho số tiền mua hàng: Khi khách hàng mua một số tiền hàng nhất định thì sẽ được tặng thêm quà. Ví dụ như khi khách hàng mua được 1 triệu tiền hàng thì sẽ được tặng một bộ cốc. Ưu điểm của hình thức này là tất cả các khách hàng chỉ cần bỏ ra một số tiền hàng nhất định sẽ được tặng quà mà không yêu cầu mua loại hàng gì. Nhược điểm là khách hàng mất nhiều thời gian để tích đủ số tiền hàng cần mua.
  •  Khuyến mãi tặng quà với định mức mua sắm: Nếu trong một lần mua sắm, khách hàng đạt được số tiền nhất định thì sẽ được tặng quà. Ví dụ như với hóa đơn 200.000đ được tặng một cái cốc, hóa đơn 300.000đ được tặng áo mưa,… Ưu điểm của hình thức này là làm tăng định mức chi tiêu của khách hàng nếu đã gần định mức mua sắm được tặng quà. Nhược điểm là khách hàng sẽ mất thời gian suy nghĩ lựa chọn sao cho đủ số tiền mua hàng dù chưa có nhu cầu lắm, không khuyến khích họ tiếp tục mua hàng lần sau.
  •  Tặng quà cho khách hàng thân thiết: Tặng quà vào ngày sinh nhật hoặc dịp kỷ niệm,…

Lưu ý: Hình thức tặng quà khá đa dạng. Tùy thuộc vào cách vận hành doanh nghiệp và tương tác với khách hàng, bạn có thể chọn hình thức phù hợp. Loại quà tặng cũng rất đa dạng: tiền mặt, voucher, sách, thiệp, đồ gia dụng,…

2.9. Giảm giá

 

Giảm giá là một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng hiệu quả

Việc giảm giá sẽ đánh vào tâm lý thích mua đồ rẻ của khách hàng. Từ đó, thúc đẩy việc mua hàng, làm số hàng bán ra tăng lên đáng kể.

Sau đây là một số hình thức cơ bản:

  •  Giảm giá % sản phẩm khi mua hàng. Ví dụ: giảm giá 20%, 30%, 50%,…
  •  Tặng thêm sản phẩm. Ví dụ như mua 2 tặng 1, mua 1 tặng 1,…
  •  Tặng kèm các sản phẩm liên quan. Ví dụ như mua sữa tắm tặng bông tắm,…
  •  Giảm giá sản phẩm khi đạt định mức mua sắm, số lần mua sắm, số tiền hàng. Ví dụ như hóa đơn mua sắm 200.000đ được mua dây sữa với giá 1000đ, tích 5 tem được mua dao với giá 1000đ, tích đủ 500.000 tiền hàng được mua dầu ăn với giá 1000đ.

Lưu ý: Không nên lạm dụng quá nhiều. Vì nếu sử dụng quá nhiều, khách hàng sẽ cho rằng giá trị thực của sản phẩm không đúng như mức giá ban đầu, họ sẽ không mua mà đợi đến giảm giá kịch sàn. Vì thế, bạn có thể giảm giá theo đợt như khai trương cửa hàng, chào mừng 8/3,.. hoặc áp dụng một số chương trình đặc biệt như giảm giá cho khách hàng sinh nhật vào 29/2, giảm giá khi đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng,…

2.10. Đơn giản hình thức nhận quà

Đơn giản hình thức tặng quà giúp khách hàng dễ tiếp cận, kích thích khách hàng tham gia. Bởi khách hàng sẽ không muốn tham gia một chương trình tặng quà nếu nó quá rắc rối.

Để thực hiện ý tưởng này, với mỗi chương trình tặng quà, bạn chỉ nên đưa ra một quy định, tránh đưa ra nhiều quy định gây rắc rối, phức tạp vấn đề. Thủ tục nhận quà nên đơn giản, nhanh chóng, đừng đòi hỏi quá nhiều.

2.11. Đa dạng các chương trình khuyến mãi

Việc đa dạng các chương trình khuyến mại giúp:

  •  Tạo cảm giác hứng thú cho khách hàng khi sử dụng nhiều hình thức khuyến mãi.
  •  Tri ân khách hàng, giải phóng được một khối lượng lớn hàng tồn.

Các chương trình khuyến mại thường:

  •  Sử dụng các chương trình khuyến mãi khác nhau theo từng đợt: giảm giá, tặng quà đi kèm, quay số may mắn, bốc thăm trúng thưởng,…
  •  Kết hợp các chương trình khuyến mãi với nhau: quà cho khách hàng ghé thăm thường xuyên kết hợp với quà khi khách hàng đạt định mức mua sắm, giảm giá kết hợp tặng quà đi kèm,… Khách hàng có thể tham gia hai chương trình cùng một lúc.

Lưu ý: Cần giải thích rõ cho khách hàng hiểu hình thức và cách họ có thể hưởng ưu đãi khi áp dụng chương trình khuyến mãi.

2.12. Tổ chức hội nghị khách hàng

Một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng hiệu quả là tổ chức hội nghị khách hàng

Các hội nghị khách hàng giúp 

  •  Tạo mối quan hệ gắn bó giữa khách hàng và doanh nghiệp.
  •  Có thể thu thập được ý kiến của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp một cách trực tiếp và chi tiết.
  •  Tranh thủ cơ hội để giới thiệu sản phẩm mới, quảng cáo sản phẩm mà khách hàng chưa sử dụng.

Để tổ chức một hội nghị khách hàng cần:

  •  Dựa trên thông tin đã có, gọi điện, gửi thư mời khách hàng đến dự hội nghị.
  •  Thuê địa điểm để tổ chức hội nghị phù hợp, có thêm hoa quả, bánh kẹo, trà nước.
  •  Có người dẫn dắt, hỏi ý kiến khách hàng tốt.
  •  Khuyến khích khách hàng bày tỏ quan điểm cá nhân.
  •  Tặng những phần quà nhỏ để tri ân khách hàng tới tham dự hội nghị.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thay thế việc tổ chức hội nghị khách hàng bằng việc tổ chức các buổi ca nhạc, hát múa, chiếu phim quảng cáo,.. mang lại cảm xúc cho khách hàng. Khi đó, khách hàng sẽ có cảm tình với nhãn hàng và tích cực chia sẻ quan điểm, quảng cáo miễn phí cho doanh nghiệp.

3. 10 ví dụ ý tưởng cực kỳ độc đáo trên thế giới

Dựa trên những ý tưởng chăm sóc khách hàng ở trên, doanh nghiệp cần cụ thể hóa thành các ý tưởng riêng biệt. Dưới đây là 10 ý tưởng chăm sóc khách hàng cực kỳ độc đáo và vượt cả mong đợi của khách hàng.

3.1. Truyền hình trực tiếp về nơi sản xuất ra sản phẩm

Nếu như bình thường, khách hàng chỉ biết được nguồn gốc của sản phẩm thông qua nhãn mác thì tại một cửa hàng thực phẩm ở Montréal, Québec (Canada) lại khác.

Sự khác biệt: Cửa hàng này không nhập rau củ mà tự trồng trên sân thượng và truyền hình trực tiếp xuống khu mua sắm để khách hàng được biết. Không chỉ nhìn thấy thông tin mà bạn còn được chứng kiến tận mắt nơi sản xuất rau củ nhé!

Một cửa hàng thực phẩm ở Montréal, Québec (Canada) truyền hình trực tiếp nơi trồng rau củ

3.2. Dùng thử nhiều loại giấy vệ sinh

Đây là một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng khá đặc biệt. Khi bạn đi siêu thị, việc được dùng thử giấy vệ sinh trước khi mua đã tốt lắm rồi. Nhưng tại một siêu thị ở Hà Lan việc mua giấy vệ sinh còn tuyệt vời hơn thế. Siêu thị bố trí hẳn một khu vực để dùng thử giấy vệ sinh. Ở đó có trưng bày nhiều loại giấy vệ sinh khác nhau. Bạn có thể thoải mái dùng thử và lựa chọn loại giấy mình thích.

 


Khu vực dùng thử giấy vệ sinh của một siêu thị ở Hà Lan

3.3. Giảm giá ô khi trời mưa

Bình thường, khi trời mưa, bạn khá khó để mua ô hoặc sẽ bị mua với giá cao hơn ngày thường. Nhưng ở các cửa hàng IKEA thì khác. Khi trời nắng, ô có giá 4,99 USD, nhưng khi trời mưa sẽ được giảm đến 50%. Có nghĩa là với mức giá bình thường khi trời mưa bạn có thể mua được 2 cái ô. Điều đó tuyệt quá phải không?

Các cửa hàng IKEA mua ô trời mưa được giảm giá 50%

3.4. Tạo ra con dao riêng cho khách hàng

Thông thường, khi đến một nhà hàng, bạn phải sử dụng chung con dao của nhà hàng mà có thể khách hàng trước đó đã sử dụng. Tất nhiên là con dao đó đã được vệ sinh sạch sẽ. Hãy thử tưởng tượng việc bạn có riêng một con dao ở nhà hàng để sử dụng thì sao?

Không cần tưởng tượng nữa đâu vì một nhà hàng ở Johannesburg (Nam Phi) đã có rồi nhé! Ở nhà hàng này, 400 thực khách thân thiết và thường xuyên lui tới có một con dao riêng. Không những thế, con dao của họ còn được đặt ở một khu vực trang trọng.

Trong số những ý tưởng chăm sóc khách hàng thì ý tưởng này không phải bên nào cũng thực hiện được

Khu vực trưng bày dao của thực khách tại một nhà hàng ở Johannesburg (Nam Phi)

3.5. Món quà Giáng sinh đặc biệt

Vào dịp lễ Giáng sinh, được bạn bè, người thân tặng quà đã là một hạnh phúc. Nếu được các nhãn hàng quan tâm tặng quà thì còn hạnh phúc hơn. Thế mà các hành khách của một hãng hàng không ở Singapore còn hạnh phúc hơn thế đấy.

Hãng hàng không này tặng cho hành khách đáp máy bay tại Manila (Philippines) mỗi người một món quà Giáng sinh có dán tên cụ thể trên băng chuyển, trước khi hành lý của họ xuất hiện. Điều đó thể hiện sự quan tâm rất cụ thể tới từng cá nhân tham gia chuyến bay.


Món quà Giáng sinh của một hãng hàng không ở Singapore

3.6. Dàn karaoke trên xe taxi

Trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng thì đây có phải là ý tưởng lạ đối với bạn không? Khi ngồi trên xe taxi được nghe nhạc theo yêu cầu đã là khá thích thú. Thế mà có người còn được hát karaoke theo yêu cầu đấy. Đó là việc một hãng taxi tại California (Mỹ) đã lắp một dàn karaoke trên xe để cạnh tranh với các hãng khác.

Điều này đã thu hút nhiều hành khách hơn. Thậm chí, nhiều hành khách còn thích thú đến nỗi đề nghị đi xa hơn để hát cho trọn vẹn các bài hát dang dở.

Taxi có dàn karaoke tại California (Mỹ)

3.7. Tạo địa hình để trải nghiệm sản phẩm

Khi đi mua giày, được thử đã là tốt lắm rồi. Thế mà tại một cửa hàng giày ở Mỹ, khách hàng còn được trải nghiệm sản phẩm trên các loại địa hình đấy. Cửa hàng này đã tạo ra 3 loại địa hình khác nhau để khách hàng có thể thoải mái trải nghiệm sản phẩm và chọn cho mình một đôi giày phù hợp.


3 loại địa hình để trải nghiệm sản phẩm tại một cửa hàng giày ở Mỹ

3.8. Máy in banner tại sân bay

Bình thường, nếu bạn đón khách hoặc người thân tại sân bay sẽ dùng banner. Chẳng may quên thì không biết làm sao cho kịp. Nếu bạn ở sân bay Amsterdam (Hà Lan) thì khỏi lo nhé! Sân bay có sẵn máy in banner để bạn sử dụng.

Máy in banner ở sân bay Amsterdam (Hà Lan)

3.9. Xe đẩy dành cho chó

Một trong những ý tưởng chăm sóc khách hàng mà không phải siêu thị nào cũng làm được thế này. Nhiều lúc, bạn đang dắt thú cưng nhưng lại muốn vào siêu thị, chú chó lại chẳng muốn đi mà nằm ì một chỗ. Nếu ở Italia thì đừng lo nhé! Tại đây có hẳn xe đẩy chuyên dụng dành cho chó loại nhỏ đấy.

Máy đẩy chuyên dụng cho chó loại nhỏ tại một siêu thị ở Italia

3.10. Máy cung cấp tampon và băng vệ sinh miễn phí

Nếu bạn là phụ nữ và đang trong chu kỳ kinh nguyệt. Bạn quên mang tampon và băng vệ sinh. Giờ biết phải làm sao để giải quyết ngay tình huống trớ trêu này đây. Nếu bạn ở sân bay thuộc Columbus Ohio (Mỹ) thì khỏi lo nhé! Sân bay này có một máy cung cấp tampon và băng vệ sinh miễn phí trong toilet để khách hàng sử dụng. Muốn dùng cái nào cứ mạnh dạn lấy nhé!

Máy cung cấp tampon và băng vệ sinh miễn phí trong toilet của sân bay thuộc Columbus Ohio (Mỹ)

 

Trên đây là những ý tưởng chăm sóc khách hàng hiệu quả. Hy vọng những ý tưởng này sẽ giúp doanh nghiệp của bạn làm hài lòng những khách hàng khó tính nhất từ đó sẽ mang đến những trải nghiệm khách hàng tuyệt vời.

Tác giả bài viết: Phượng Hồng

 

Chuyên gia Nguyễn Dương, CCXP
  • Thành viên hội đồng Huấn luyện viên Forbes Global
  • Chuyên gia trải nghiệm khách hàng và chiến lược.
  • Nhà sáng lập CEMPARTNER
  • Nguyên Giám đốc Quốc gia Singtel Việt Nam
  • Nguyên Giám đốc phát triển Singtel Việt Nam
  • Nguyên PGĐ chiến lược khách hàng Viettel mobile
  • Nguyên Giám đốc quan hệ khách hàng iBasis Inc (USA)
  • Thạc sỹ về quản lý quốc tế, Đại học Capilano, Vancouver, Canada 2004 - 2006
  • Cử Nhân Kinh tế và MBA, Đại học Kinh Tế Quốc Dân, Hà nội. 1994 - 1998 và 2000 - 2001

      LinkedIn

Chưa có bình luận nào cho bài viết này.
Bình luận của bạn:
Đánh giá bài viết
(Rated 0/5 based on 0 customer reviews)

123movies